Xuất khẩu hạt điều mang về hơn 1,6 tỷ USD
Hạt điều là 1 trong 7 sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm; so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 18% về giá trị và sản lượng.
Hiện các nhà máy tiếp tục ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại.
Tất bật thu mua, đẩy mạnh chế biến… không khí tại các nhà máy xuất khẩu điều ở Bình Phước. Nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho 2 quý cuối năm.
“Chúng tôi yêu cầu các nhà máy gia tăng sản lượng, sản lượng dư cho hàng tồn kho để khi thị trường cần là mình có xuất khẩu liền”, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, cho biết.
“Hiện tại doanh nghiệp mỗi tháng xuất 4 – 6 container đi Trung Quốc. Kỳ vọng sau chuyến đi của Thủ tướng, các thủ tục thông quan được thuận lợi hơn”, ông Trương Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thành Được, Bình Phước, chia sẻ.
Đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đang là lợi thế để hạt điều Việt Nam dễ dàng cạnh tranh xuất khẩu. Điển hình Công ty CP Tập Đoàn Hanfimex luôn ký được các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhờ có nhiều sản phẩm ngon, chất lượng cao.
6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 276.000 tấn hạt điều, mang về hơn 1,6 tỷ USD. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)
“Chúng tôi đầu tư các công nghệ mới như xử lý hun trùng hữu cơ làm sạch hạt điều, không dùng thuốc, nhằm nâng cao giá trị. Sản phẩm tốt sẽ có cơ hội phát triển. Sau khi đầu tư công nghệ, chúng tôi đã xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ Nhật Bản”, ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Hanfimex, cho hay.
6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 276.000 tấn hạt điều, mang về hơn 1,6 tỷ USD. Hiện giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt hơn 6.500 USD/tấn. Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.
Nâng cao sản lượng và chất lượng điều Việt Nam
Năm nay, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 3,1 tỷ USD. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành hàng này vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, các nhà máy phải lệ thuộc từ 50 – 60% nguyên liệu nhập khẩu. Để cải thiện vấn đề này, khâu then chốt là phải đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cao sản lượng, chất lượng cây điều Việt Nam.
Hơn 20 năm gắn bó với cây điều, theo ông Kính (xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước), để nâng cao sản lượng, chất lượng hạt điều Việt Nam, giải pháp tối ưu nhất là phải có cây giống tốt. Ông cũng đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, trồng thực nghiệm và nhân rộng cho bà con nhiều giống điều mới với các đặc tính vượt trội.
“Trong sản xuất điều, giống là yếu tố rất quan trọng. Tôi nghiên cứu ra giống điều này cho ra hoa sớm và cho trái tập trung, hạt có màu sắc đẹp, sáng, nhân dễ tách vỏ lụa, thơm”, ông Trần Kim Kính, xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước, chia sẻ.
Điều là cây trồng chủ lực của Bình Phước, với diện tích hơn 152.000 ha. Để cải tạo giống chất lượng phục vụ đủ cho diện tích sản xuất điều nói trên, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
“Chất lượng điều Bình Phước rất thơm ngon và ngậy. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ tạo ra nhiều giống hiệu quả hơn cho bà con nông dân”, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, cho hay.
Nhờ sở hữu nhiều giống chất lượng cao, năng suất điều của Bình Phước tăng qua từng năm và đang ở mức 170.000 tấn/năm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp còn sớm có bản đồ quy hoạch vùng sản xuất phù hợp thổ nhưỡng hay đăng ký cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Đây là bước đi khoa học, bài bản giúp ngành điều Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững.
Ban Thời sự VTV
Nguồn: VTV